Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, quản trị rủi ro trong doanh nghiệp nhất là việc kiểm soát tài chính đặc biệt quan trọng.Liên quan đến những lưu ý cho doanh nghiệp trong công tác quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Chủ tịch Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam, Chủ tịch HĐQT AsiaInvest, thành viên Hội đồng cố vấn của Liên minh kinh doanh Trung Quốc – Asean.
Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD)
Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
So với dịch SARS xảy ra năm 2003, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lớn hơn rất nhiều. Vài tuần trước, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn chủ quan cho rằng, với khả năng và động thái kiểm soát dịch bệnh của chính phủ các nước cũng như Việt Nam, dịch Covid-19 chỉ lây lan rộng tại Trung Quốc và sẽ được dập tắt trong một vài tháng, hoạt động của doanh nghiệp có thể chỉ khó khăn tạm thời và tình hình sẽ sớm trở lại bình thường. Như với lĩnh vực du lịch, có ý kiến lạc quan cho rằng, khi không có khách Trung Quốc, Việt Nam có thể tập trung khai thác nguồn khách từ châu Âu, Hàn Quốc chất lượng hơn.
Thế nhưng dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng thời gian gần đây đã khiến các ngành du lịch, hàng không, khách sạn và nhà hàng… ghi nhận kinh doanh giảm sút nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa và chuyển sang trạng thái “ngủ đông”, cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương… Danh sách các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang tiếp tục dài thêm.
Cùng với đó, động thái kiềm chế dịch bệnh Covid-19 rất mạnh của các chính phủ có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị “sốc” khi lệnh đóng cửa biên giới, cấm xuất nhập cảnh, khoanh vùng, cách ly… được nhanh chóng đưa ra làm cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước càng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế và các chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo sẽ diễn ra suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu trong viễn cảnh không xa. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu.
Đây có thể được xem là tình huống “thiên nga đen”, được hiểu là sự kiện không thể đoán trước, vượt quá những suy nghĩ thông thường về một tình huống và để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Nếu dịch bệnh kéo dài, rất nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, đặc biệt là doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số đông doanh nghiệp nếu không được quản trị tốt, có thể phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Nói đến tình huống “thiên nga đen” đang diễn ra, có ý kiến cho rằng việc đưa ra các dự báo là điều không thể, và doanh nghiệp có thể lên kế hoạch dựa trên các dự báo sai lệch. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Tôi không đồng tình với quan điểm này. Tình huống “thiên nga đen” được đề cập ở đây nói đến sự xuất hiện và bùng phát nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 vì hơn hai tháng trước, không ai nghĩ rằng đầu năm sẽ xuất hiện một đại dịch toàn cầu, dẫn đến việc “ngăn sông, cấm chợ” giữa các nước, gây sụt giảm cả nguồn cung và cầu, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp.
Tuy vậy, nếu thực sự chủ động theo sát diễn biến của dịch bệnh và các biến động, thu thập thông tin và ý kiến phân tích - tư vấn của các chuyên gia, thực hiện đánh giá thấu đáo tình hình thì hoàn toàn có thể dự báo trước những tình huống có thể xảy ra tiếp theo cũng như tác động của chúng, để từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc phong toả các thành phố ở Trung Quốc là điều không ai lường trước được nhưng quyết định khoanh vùng, đóng cửa biên giới của các nước khác trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, bùng phát mạnh ngoài Trung Quốc gần đây là điều có thể dự báo trước nếu luôn theo sát tình hình.
Trên thực tế, nếu làm tốt công tác quản lý rủi ro, quản lý khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ luôn có thể đưa ra các dự báo sát với thực tiễn và có được các biện pháp ứng phó hữu hiệu nhằm giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng khi có khủng hoảng. Trong bối cảnh mọi thứ đang trở nên thiếu chắc chắn, kể cả khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, Câu lạc bộ Giám đốc tài chính (CFO) Việt Nam cũng từng đưa ra một thông điệp mà đến nay còn nguyên giá trị, đó là các doanh nghiệp hãy “thêm chủ động, bớt ứng phó”.
Doanh nghiệp cần đặt mình vào tâm thế chủ động nhiều hơn nhằm tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” để vừa có thể vượt qua khủng hoảng, vừa nắm bắt được các cơ hội mới vì trong nguy luôn có cơ. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, quan điểm của người đứng đầu doanh nghiệp. Có thể thấy bài học ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của một số nước khi họ đang ở trong tình trạng phải chạy theo giải quyết hậu quả.
Ông có nghĩ rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam đang khá bị động?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Nhìn chung, phản ứng của đa số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra diễn ra khá chậm. Tôi không nghĩ là các doanh nghiệp không nắm được tình hình, cũng không cho rằng các doanh nghiệp hiện còn chủ quan, nhưng có thể có một độ ỳ nhất định và cũng có thể đang lúng túng không biết nên làm gì trước những biến động, ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh lần này. Điều này cho thấy công tác quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rất yếu.
Các công ty đa quốc gia bao giờ cũng xây dựng sẵn các kế hoạch ứng phó với những tình huống khẩn cấp, được mô tả chi tiết trong bản kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh liên tục (BCP) của công ty. Kế hoạch này phải được xem xét, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế. Hệ thống quản lý rủi ro của doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm xây dựng và vận hành nghiêm túc. Nhờ vậy, họ thường chủ động hơn trong mọi tình huống bất thường.
Doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cách vận hành - quản trị, phải chủ động hơn trong công tác dự báo và xây dựng các phương án ứng phó với cuộc khủng hoảng rất lớn lần này. Nếu không, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn hẹp sẽ khó mà vượt qua khó khăn hiện nay nếu chỉ trông chờ vào hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy công tác quản trị chuyên nghiệp thể hiện vai trò rất lớn trong thời điểm này?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Đối với hoạt động của doanh nghiệp, công tác quản trị lúc nào cũng quan trọng. Nhất là trong bối cảnh khi có biến cố lớn như hiện nay, các nhà quản trị càng phải làm tốt hơn công việc của mình và phải hành động nhanh hơn, chủ động hơn thì mới mong tồn tại. Đây có thể xem là giai đoạn mang tính đào thải cao với những doanh nghiệp yếu kém về công tác quản trị, cho dù có nguồn lực tốt.
Nhìn vào các động thái gần đây từ các doanh nghiệp Việt Nam, tôi cho rằng cần phải có các biện pháp quyết liệt hơn thay vì chỉ lên dây cót tinh thần. Lo lắng không có nghĩa là sợ, mà để tìm cách ứng xử, dùng đúng công cụ quản trị để ứng phó, dùng đúng nguồn lực để xử lý các vấn đề phát sinh một cách đột biến.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên xem xét thành lập “tổ phản ứng nhanh” để hỗ trợ ban điều hành công ty trong việc bám sát các biến động của tình hình dịch bệnh, động thái của các chính phủ, thay đổi của thị trường… để có thể cập nhập và xử lý thông tin nhanh chóng, đề xuất kịp thời các giải pháp cũng như giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh các cơ hội mới. Bên cạnh đó, dựa trên các kịch bản có thể xẩy ra với nền kinh tế, với thị trường trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần có những tính toán, xây dựng các phương án hoạt động và kế hoạch dự phòng tương ứng.
Một trong những vấn đề rất nan giải hiện nay với các doanh nghiệp là khó khăn về mặt tài chính. Theo ông, quản trị tài chính thời điểm này có gì cần lưu ý?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Cũng tương tự như nhiều cuộc khủng hoảng khác, vai trò của quản trị tài chính trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Đây là lúc giám đốc tài chính (CFO), người phụ trách bộ máy tài chính của doanh nghiệp cần hết sức nỗ lực để cùng ban điều hành chèo lái doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Việc ưu tiên hàng đầu cần thực hiện là quản lý dòng tiền thật tốt, vì dòng tiền được ví như dòng máu lưu thông duy trì sự sống của doanh nghiệp. Tiền mặt là vua lúc khủng hoảng, nếu không quản lý dòng tiền tốt, doanh nghiệp có thể “chết bất đắc kỳ tử” bất kỳ lúc nào, kể cả doanh nghiệp đang ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, có tài sản lớn nhưng chỉ nằm ở trên giấy. Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý các rủi ro đối với hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Trong công tác quản trị tài chính, doanh nghiệp cần phải xem xét lại cơ cấu chi phí để tìm cách giảm áp lực thông qua việc cân nhắc chuyển đổi các chi phí cố định thành chi phí biến đổi (khi có thể); phải thận trọng hơn trong việc quản lý vốn đầu tư, đặc biệt là các khoản đầu tư lớn và dài hạn; cần rà soát kỹ các khoản phải thu, phải trả.
Doanh nghiệp cũng cần tìm cách đàm phán thời hạn thanh toán tốt hơn cho những khoản nợ phải trả, thời gian thu tiền ngắn hơn cho các khoản phải thu, chủ động đưa ra giải pháp ngăn ngừa tối đa các khoản nợ phải thu khó đòi có thể phát sinh trong bối cảnh khó khăn chung, xem xét đàm phán với các nhà cung cấp về phương án chia sẻ khó khăn; tập trung quản lý tốt hàng tồn kho và lưu ý quản lý các rủi ro có thể đến từ các nhà cung cấp chính.
Bên cạnh đó, liên lạc thường xuyên và đảm bảo duy trì mối quan hệ tốt với các cổ đông, nhà tài trợ vốn cho doanh nghiệp. Nghiên cứu sử dụng các giải pháp, sản phẩm tài trợ vốn cho chuỗi cung ứng để đa dạng hơn các nguồn tài trợ; đảm bảo có phương án dự phòng để hoạt động sản xuất kinh doanh được liên tục... Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các chính sách hỗ trợ do chính phủ và các tổ chức tín dụng, hội doanh nghiệp…và các tổ chức khác đưa ra để có thể khai thác được tối đa những sự hỗ trợ này.
Biện pháp trước mắt của nhiều doanh nghiệp hiện nay là cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, động thái này có thể mang lại nhiều rủi ro về sau. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Kể cả trước khi dịch bệnh lần này xảy ra, doanh nghiệp luôn cần phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, thường xuyên rà soát và cắt giảm những khoản mục chi tiêu không cần thiết. Còn việc cắt giảm có thể ảnh hưởng trong tương lai hay không thì còn phải đặt vào tình huống cụ thể của từng doanh nghiệp, để xem mức độ ưu tiên phục vụ duy trì hoạt động trong thời gian tới đây. Những khoản chi không thiết yếu phải nhanh chóng cắt giảm để duy trì dòng tiền ổn định.
Cần lưu ý, khi khủng hoảng xảy ra, phản ứng của rất nhiều doanh nghiệp là cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên cần thận trọng vì doanh nghiệp có tiếp tục hoạt động tốt, có nắm bắt được cơ hội để vực dậy trong tương lai hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực, đặc biệt là những nhân sự đã gắn bó lâu dài. Doanh nghiệp nên tìm các giải pháp có thể dung hoà. Đặc biệt, rất cần sự đồng cảm giữa chủ doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp và người lao động, nên cùng chia sẻ khó khăn với nhau thay vì cắt giảm nhân sự một cách nhanh chóng trong giai đoạn khủng hoảng. Hơn nữa, khi mọi thứ phục hồi, việc tuyển được các nhân sự tốt không hề dễ dàng.
Điều này cũng tương tự vấn đề đang được đặt ra trong giải quyết điều khoản liên quan đến yếu tố bất khả kháng trong hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Khủng hoảng xảy ra là điều không ai muốn, ai cũng chỉ mong tồn tại khi đã dồn hết tâm huyết, tài sản, thậm chí chấp nhận nhiều rủi ro, hệ luỵ. Tuy nhiên, cần có sự nhìn nhận và chia sẻ khó khăn, đoàn kết để cùng vượt qua khủng hoảng.
Trong vấn đề giải quyết hợp đồng có liên quan đến yếu tố bất khả kháng, sự thấu hiểu này liệu có thể tồn tại khi mà doanh nghiệp nào cũng phải tính toán đến câu chuyện sinh tồn, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Quan trọng ở tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp. Nếu có tầm nhìn dài hạn, suy nghĩ buôn có bạn bán có phường, kinh doanh cần đối tác tốt và ổn định thì phải luôn có sự chia sẻ lợi ích cũng như tổn thất với các đối tác của mình. Nếu chỉ biết kinh doanh theo kiểu đánh quả, chộp giật, khi có vấn đề gì liền đẩy cái khó cho đối tác thì khó có đối tác tốt lâu dài.
Về mặt hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần ràng buộc chặt chẽ, nhưng khi xảy ra sự cố thì nên cân nhắc ưu tiên thương lượng, chia sẻ thiệt hại với thiện chí duy trì các mối quan hệ đối tác tốt đẹp vốn có. Trong giai đoạn khủng hoảng, các doanh nghiệp càng nên siết chặt mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp bạn, thậm chí thành lập các liên minh, liên kết với nhau để hỗ trợ tốt nhất cho nhau cùng vượt qua khó khăn.
Sự đồng cảm và thấu hiểu giữa hai lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ của hai cá nhân. Nhưng với câu chuyện thấu hiểu trong nội bộ doanh nghiệp, làm thế nào để lãnh đạo có thể có được sự thấu hiểu của toàn bộ cán bộ nhân viên?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Bên cạnh việc quản lý doanh nghiệp tốt còn phụ thuộc vào văn hoá doanh nghiệp cũng như tư duy của người lãnh đạo. Muốn nhân viên tâm huyết với doanh nghiệp, cần quản lý bằng con tim, tình cảm chứ không đơn thuần bằng lý trí. Tất nhiên, các quy định trong doanh nghiệp phải luôn đúng sai rõ ràng, không thể vận hành doanh nghiệp theo cảm tính. Nếu nhân viên cảm nhận được sự quan tâm từ công ty, họ sẽ suy nghĩ, thấu hiểu và đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp, như câu chuyện trả nghĩa vốn có trong văn hoá của người Á Đông.
Lúc khủng hoảng xảy ra, phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp để bảo vệ sức khoẻ của nhân viên. Việc quan tâm này vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên nhưng cũng là để đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Hay như trong câu chuyện cắt giảm chi phí, cũng nên cân nhắc đến việc giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Đáng chú ý, yếu tố minh bạch càng cần được coi trọng trong giai đoạn này. Với mong muốn cả tập thể cùng san sẻ khó khăn, cùng vượt qua khủng hoảng, nhân sự cần có cơ hội được nắm bắt thông tin, đóng góp ý kiến và cùng nhau thực hiện. Tư duy “tăng chủ động, bớt ứng phó” cũng nên được hình thành trong mỗi cán bộ nhân viên. Người đứng đầu không nên giữ thông tin cho riêng mình để rồi đặt cả một doanh nghiệp vào tình thế bị động, cần minh bạch thông tin vì đó là khó khăn chung. Còn đối với các cổ đông thì yếu tố minh bạch luôn phải được ban điều hành công ty duy trì, cho dù có khủng hoảng xảy ra hay không, trước là được ủng hộ, sau là được hỗ trợ khi cần.
Đâu là góc nhìn của ông về tình hình trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Ngọc Bách: Nhìn chung, môi trường vĩ mô sẽ còn tiếp tục khó khăn. Việc xảy ra suy thoái kinh tế đâu đó đang dần hiện hữu. Để vực dậy sẽ không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai mà còn phụ thuộc và khả năng ứng phó của các nền kinh tế. Tình huống xấu thì khó khăn có thể còn kéo dài tới vài năm.
Còn với các doanh nghiệp, Việt Nam là một thị trường tiềm năng so với các nước trong khu vực, có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tại Việt Nam, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần luôn với tâm thế “tăng chủ động, bớt ứng phó” để có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cùng hỗ trợ nhau vượt qua khủng hoảng và đón nhận cơ hội để phát triển trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Đặng Hoa
Theo Theleader.com.vn